Lễ Tết Nhảy
Ngày lễ của đồng bào dân tộc người Dao đỏ Tả Van, tùy từng dòng họ mà thời gian diễn ra có thể là vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết. Các gia đình trong họ tập trung về nhà trưởng họ, sau khi hoàn thành phần lễ trình báo tổ tiên, thầy cúng cùng các phụ lễ sẽ nhảy 14 điệu mang tính biểu tượng cao, thể hiện sự hùng dũng, mạnh mẽ, có ý nghĩa mở đường, xua đuổi tà ma. Lễ Tết nhảy tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa đen xen âm nhạc, sử dụng ngôn từ kể sự tích của tổ tiên và nghệ thuật tạo hình như tranh thờ, tranh cắt giấy, tượng gỗ điêu khắc.
Lễ hội xuống đồng
Ngày 8 Tết hàng năm, đồng bào các dân tộc Tày, Xa Phó, Mông mở hội xuống đồng để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản được yên bình. Lễ hội được tổ chức trên bãi đất phẳng, thời tiết ấm áp, sau khi thầy cúng thực hiện nghi lễ xong, mọi người biểu diễn văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian.
Hội Gầu Tào
Lễ hội truyền thống của người H’Mông diễn ra vào mùa xuân. Thông thường, để khấn xin sự ban ơn từ thần linh, các gia đình sẽ làm lễ Gầu Tào nếu trong nhà có người ốm đau, làm ăn không tốt, không có con hoặc sinh con một bề. Sau khi làm lễ cúng tế, mọi người tỏa ra các ngọn đồi thấp hoặc bãi ruộng bằng xung quanh tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Đây là lễ hội lớn nhất, được coi là tiêu biểu và đặc sắc nhất của người Mông.
Hội Roóng Poọc
Hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Van được tổ chức vào ngày thìn tháng giêng. Đây là dịp mở đầu cho chu kỳ sản xuất một mùa vụ mới, đồng thời kết thúc một tháng Tết vui chơi. Lễ hội ra đời từ chính cuộc sống thường ngày của người Giáy ở Tả Van, gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, cầu cho vạn vật sinh sôi, mang đậm tính lịch sử và nhân văn của đồng bào dân tộc.
Lễ quét làng
Hàng năm, người Xá Phó Sapa mở hội quét làng vào ngày Ngọ, ngày Mùi của tháng 2 âm lịch. Theo quan niệm từ thời xa xưa, để xua đuổi ma đói kéo về làng, phá hoại hoa màu, làm lễ quét làng với mong muốn đón sự yên bình, kỳ vọng về cuộc sống ấm no, chăn nuôi gia súc an toàn.
Lễ hội Nào Cống
Đây là ngày lễ của đồng bào dân tộc H'Mông, Dao, Giáy ở Mường Hoa, được tổ chức vào ngày thìn tháng 6 âm lịch hàng năm. Lễ hội có 3 phần bao gồm nghi lễ cúng thần, công bố quy ước chung của vùng và phần ăn uống. Trong phần lễ, thầy mo của người Giáy ở Tả Van sẽ mặc áo dài, quần thụng, đọc lời cúng để mời các thần về tham dự. Lễ hội có ý nghĩa cầu mong người yên vật thịnh, mùa màng bội thu.
Tết đón hồn lúa mới
Tết đón hồn lúa mới mang đậm nét đẹp tín ngưỡng nông nghiệp được tổ chức vào trước một mùa thu hoạch mới, khi các cánh đồng lúa bắt đầu ngả màu. Các gia đình hay cộng đồng làng bản thường thống nhất chọn một ngày đẹp để mừng thu hoạch, tổng kết một năm sản xuất, dâng lễ là thành quả lao động lên các vị thần, thánh cùng gia tiên, với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình mạnh khỏe.
Hội hoa chuối
Người Xa Phó tổ chức lễ hội hoa chuối vào ngày 9 tháng 9 hàng năm với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu, gia súc khỏe mạnh và nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Theo phong tục truyền thống, lễ hội được tổ chức tại gia đình, nhóm gia đình hoặc một thôn bản. Gia đình tham gia lễ góp các đồ như rượu, gạo, chim nướng, cá mắm, muối ớt cho gia đình chủ hội. Trong ngày lễ này, điều độc đáo nhất là các điệu múa truyền thống thể hiện lại quá trình lao động, sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.