Nature Key Retreat Nature Key Retreat
diem-den

Điểm đến

Đồng Mô
Yên Mông
trai-nghiem

Trải nghiệm

check-in

ngày check in - check out

check in

check out

so-luong

số lượng người lớn, trẻ em

người lớn

(Từ 12 tuổi)

trẻ em

(6-12 tuổi)

trẻ em

(0-5 tuổi)

yên mông hoà bình

Yên Mông

Lắng nghe chuyện Bản Mường Chưa Kể

Giữa bốn bề núi đồi trùng điệp, nơi dòng sông Đà chảy qua, có rừng nguyên sinh Pù Noọc tạo nên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp. Yên Mông bước ra từ sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, được coi như vùng bảo tàng di sản văn hóa Mường – Việt cổ.

Chuyện kể rằng “Thuở xưa, khi vạn vật còn hỗn mang, bỗng mưa dầm mưa dãi, nước lũ ngập tràn. Gần 2 tháng sau, nước rút hết. Tự nhiên, mọc lên một cây xanh cao chọc trời có 90 cành, biến thành ông Thu Tha, Bà Thu Thiên. Hai Thần truyền lệnh làm ra Đất, Trời và Vạn vật. Sau đó, nắng hạn khô cằn suốt nhiều năm liền, mặt đất nứt nẻ, xơ xác. Nhờ thần Pồng Pêu cầu nguyện, trời đất đã đổ cơn mưa. Mưa tuôn tầm tã suốt mười ngày đêm, hạt mưa to bằng quả bưởi, nước ngập bao la. Khoảng 7 tháng sau nước rút cạn, một cây si khổng lồ mọc lên tua tủa nhiều cành. Con sâu Gang được trời sai khoét rỗng ruột cây. Ruột rỗng, si đổ, mỗi cành hoá ra một bản Mường…”

Cắm trại tại Yên Mông Hoà Bình

Xã Yên Mông thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km, là cửa ngõ của Tây Bắc Việt Nam. Hòa Bình là tỉnh miền núi, tiếp giáp với phía tây đồng bằng sông Hồng, có địa hình núi trung bình, hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đồng đều.

Nơi đây đọng lại nhiều dấu ấn của nền văn hóa rực rỡ qua việc tìm thấy 47 chiếc trống đồng cổ. Trên địa bàn tỉnh có 7 thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Mường với nền văn học dân gian phong phú. Đó là kho tàng sử thi truyền miệng, truyện thơ và các làn điệu dân ca như hát Sắc bùa, hát Thường, hát Bọ mẹng, hát Ví, Đúm và nổi tiếng nhất là nhạc cụ cồng chiêng. Người Tày, Thái có nhiều nét giống nhau trong phong tục và sinh hoạt, số ít người Mông trong tỉnh có múa khèn, múa ô...

CÁC ĐIỂM THĂM QUAN TẠI VÙNG

Thung Nai

Thung Nai

Thung Nai là một xã lòng hồ trên sông Đà thuộc huyện Cao Phong, nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 25 km. Với vẻ đẹp kỳ thú, Thung Nai được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên núi". Đến đây, du khách sẽ có cơ hội ngồi thuyền vãn cảnh, len lỏi giữa những đảo đá, tham quan khám phá bản Mu, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đền Bà Chúa Thác Bờ, chợ nổi... và lắng nghe câu chuyện kể từ chính những người dân địa phương mến khách.
Suối khoáng Kim Bôi

Suối khoáng Kim Bôi

Khu du lịch suối khoáng nóng tự nhiên thuộc xóm Mớ Đá, huyện Kim Bôi, Hòa Bình có tổng diện tích 7 hecta. Với lợi thế dòng suối khoáng chảy qua mạch nước ngầm có tỉ lệ khoáng cao được đánh giá là một trong những nguồn nước khoáng thiên nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Nhiệt độ nguồn nước dao động từ 34 – 36 độ C, có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, điều trị các bệnh xương khớp, đau nhức, mệt mỏi, các bệnh về dạ dày hay đường ruột.
Bảo tàng không gian văn hóa Mường

Bảo tàng không gian văn hóa Mường

Một công trình nghệ thuật bắt nguồn từ niềm cảm hứng sâu sắc của một hoạ sĩ trẻ với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian văn hóa của người dân tộc Mường. Nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5 hecta, đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là khu tái hiện và khu trưng bày. Du khách đến đây sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng, hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt của người Mường và thưởng thức các món ăn dân tộc, âm nhạc lễ hội và các trò chơi dân gian truyền thống.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Nhà máy được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trước khi nhà máy thủy điện Sơn La xây dựng và khánh thành, đây là công trình thủy điện với quy mô lớn nhất Việt Nam. Đảm nhận 2 nhiệm vụ chính là chống lũ và phát điện, công trình góp phần quan trọng trong việc phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cung cấp nguồn điện cho miền Trung và miền Nam. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến sự tuyệt vời trong kiến trúc và không khỏi trầm trồ thán phục khả năng của con người khi ngăn sông, đắp đập để làm ra một nhà máy thủy điện có quy mô hoành tráng như vậy.
Thung lũng Mai Châu

Thung lũng Mai Châu

Mai Châu, Hòa Bình cách Hà Nội 140 km theo hướng Tây Bắc, nơi đây hiện lên như một bức tranh sinh động về cuộc sống nơi xứ núi. Từ thành phố Hòa Bình, du khách sẽ đi qua đèo Thung Khe, lạc vào khung cảnh châu Âu với không gian trắng xóa của núi đá và làn sương mờ bao phủ. Mai Châu mang sắc màu của người dân tộc Thái, nhà sàn với cột gỗ kiên cố dựng 2 bên đường, nhà nào cũng có chõ đồ xôi cao lênh khênh và khung dệt vải thổ cẩm sợi thô mang màu sắc tươi đẹp. Nơi đây nổi tiếng với các điểm tham quan như cột cờ, nhà trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái, du khách có thể kết hợp trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Bản Lác và khám phá những thác nước, hang động bao quanh đồi núi trập trùng.
Lũng Vân

Lũng Vân

Lũng Vân là một trong bốn cái nôi văn hóa lớn và lâu đời nhất ở xứ Mường Hòa Bình với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ và nguyên vẹn nhiều nét sinh hoạt truyền thống. Lũng Vân được bao bọc bởi núi cao, quanh năm mây mù phủ kín nên còn được biết đến với tên gọi Thung Mây. Ở đây có một chợ duy nhất, nằm ngay trung tâm xã, họp vào ngày thứ 3 hàng tuần, du khách có thể lưu lại cho chuyến đi tìm hiểu những nét đẹp văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu

Hợp tác xã dệt thổ cẩm ở Chiềng Châu, Mai Châu là nơi giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phát huy những giá trị văn hóa của người dân tộc Thái ở Hòa Bình. Các sản phẩm dệt thổ cẩm làm từ sợi bông tự nhiên, từ công đoạn kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu đều được thực hiện thủ công. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm du lịch cộng đồng, tham gia vào quy trình dệt thổ cẩm và hiểu thêm những nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng địa phương.
Rượu cần

Làng nấu rượu Mai Hạ, Mai Châu

Thức uống có men say này không chỉ nổi tiếng ở Mai Hạ, Mai Châu mà còn được người dân trên khắp cả nước biết đến bởi giá trị văn hóa, lịch sử. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét bình yên qua trang phục, ẩm thực, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái. Trong mỗi hộ gia đình, hàng ngày người dân đi hái lá làm men, tinh cất từ thiên nhiên đại ngàn. Công việc vất vả mà vẫn say sưa, kiên trì với nghề nấu rượu truyền thống.

Hợp tác xã mây tre đan xóm Bui

Nghề mây, tre đan tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn đã có từ hàng trăm năm nay, cây tre, cây mây đã gắn bó mật thiết với đời sống và tâm hồn của người dân xóm Bui. Những sản phẩm mây tre đan có tạo hình độc đáo, thân thiện với môi trường và đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Trước đây, bà con chủ yếu đan giỏ, lãng hoa, cơi trầu... phục vụ sinh hoạt gia đình và buôn bán nhỏ lẻ. Đến nay, nghề mây tre đan vẫn đang phát triển, các sản phầm đa dạng về mẫu mã, chất lượng ổn định và nâng cao, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, mua về làm quà.

Lễ hội trong năm tại vùng

Vùng đất Hòa Bình nổi tiếng với rất nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nơi đây không có những lễ hội quy mô lớn, có sự tham gia của đông người với trang phục, lễ vật, đồ tế khí cùng quy định bài bản như các lễ hội của người Kinh miền xuôi, không có những chợ tình mùa xuân như đồng bào ở vùng núi cao Tây Bắc. Tuy vậy, cộng đồng các dân tộc sống trên đất Hòa Bình, đặc biệt là người Mường, cũng có những lễ hội riêng, thể hiện sự kết nối của cộng đồng, tinh thần đoàn kết và gắn bó của một bản.

Lễ hội đu Mường Vôi

Cứ mỗi 2 năm, tính theo lịch Mường vào mùng 7 khai hạ (tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch), lễ hội được tổ chức tại xã Liên Vũ, Lạc Sơn. Lễ hội đã có trên 100 năm, mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Mường Vôi nói riêng và của bà con dân tộc Mường nói chung. Người dân sau khi dâng hương cúng thành hoàng làng, đọc lời khai mạc và đánh trống khai hội thì tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... Đặc biệt, trong lễ hội còn có những nghệ nhân hát đúm để cổ vũ, khích lệ ngày hội và chúc mọi nhà có một mùa xuân mới an lành, no đủ. Đây là dịp để mọi người quây quần và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã có công đi khai dân mở đất.

Lễ hội cầu an bản mường

Lễ hội cầu an bản mường của người Thái là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, quy mô phụ thuộc vào tình hình thời tiết, sự được mất của mùa vụ vừa qua. Lễ hội được tổ chức tại một đất bãi rộng gần đình hoặc nơi có nguồn nước trong lành, thực hiện nghi lễ cúng thần linh cơ bản là hiến trâu, lợn gà. Người dân trong mường, ngoài bản, không phân biệt già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy theo sức mình. Sau nghi lễ tế thần sẽ là cuộc ăn uống vui vẻ của tất cả người dân trong làng, không được bỏ thừa hay đem về. Các nghi lễ chính trong lễ hội bộc lộ tín ngưỡng thờ phụng thủy thần và thể hiện tín ngưỡng từ thời nguyên thủy còn săn bắn, hái lượm.

Lễ hội làng Vai

Ngày hội truyền thống của làng bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 13 tháng 11 hàng năm tại đình và đền, đây là dịp để nhân dân làng Vai, Lạc Thủy tỏ lòng thành kính, nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần đã phù hộ con dân một năm hạnh phúc, ấm no. Ngay trong buổi chiều ngày 11, khi các nghi thức của buổi lễ đang tiến hành thì các hoạt động vui hội cũng được bắt đầu ở sân nhà văn hóa nằm phía sau đình. Ngày này, những người con dù đi đâu xa cũng về làng đoàn tụ, tham gia lễ hội để thắt chặt tình người, tình quê hương, tình làng xóm.

Tết cơm Đe Mường Rậm

Hàng năm, vào mỗi dịp 26 tháng 10 âm lịch, công việc đồng áng thường ngày tạm gác lại, người dân Mường Rậm, Lạc Thịnh, lại vui vẻ, tất bật chuẩn bị cho Tết cơm Đe. Tết cơm Đe được tổ chức to hơn, đông vui hơn Tết Nguyên Đán và Tết Độc Lập vì cả nước duy chỉ có xã Lạc Thịnh mới có cái tết độc đáo này. Tết cơm Đe độc đáo ở chỗ người Mường Rậm chỉ ăn chay và có phần lễ, không tổ chức phần hội. Theo quan niệm của người Mường Rậm, phải cúng trước khi mặt trời mọc, vì thời gian này là linh thiêng và mát mẻ hơn cả. Tết cơm Đe là dịp để dòng họ quây quần và nhớ ơn vị tướng năm xưa đánh giặc cứu nước, lập đàn cầu mưa cho dân lành ở vùng hạn hán.

Lễ hội đánh cá suối tháng ba

Tại Lỗ Sơn, Tân Lạc vào mỗi tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội đánh cá suối tháng 3 được tổ chức. Đây là dịp để người dân bảy tỏ sự tôn kính đến các thần linh, người dân vui chơi, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng. Lễ hội có ý nghĩa tuyên truyền, cải thiện ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đánh cá được tổ chức khi bắt đầu vào mùa mưa, lúc này cá đã lớn để tránh mùa cá sinh sản. Lễ hội biểu hiện những nét đặc trưng tiêu biểu trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường, mang tính cộng đồng cao mà giản dị, mộc mạc.

Lễ cơm mới của người Thái

Người Thái ở Mai Châu không định ngày mà tổ chức lễ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, quy mô lễ tủy thuộc vào điều kiện thu hoạch của mùa vụ. Ở mỗi dòng họ, trưởng họ là người đứng ra làm. Lễ hội được tổ chức trong gia đình, phổ biến ở bất cứ đâu có người Thái sinh sống. Từ sáng sớm, con dâu cả xuống sân gánh hai bó lúa lên nhà dâng trước bàn thờ tổ tiên, báo cáo mùa màng đã thu hoạch và xin phép được ăn cơm mới. Lễ cơm mới đến nay đã trở thành một sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Thái Mai Châu. Những cuộc vui của dòng họ không chỉ bó hẹp trong các gia đình mà còn thu hút cả bản làng cùng tới nghe kể mo và múa hát say sưa thâu đêm suốt sáng.

Lễ hội khai hạ ở Mường Bi

Lễ hội khai hạ Mường Bi còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đây là lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúc nước của dân tộc ta từ lâu đời, đi cùng các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Mường Bi, Tân Lạc. Lễ hội thờ cúng thành hoàng Quốc Mẫu Hoàng Bà, Đức Thánh Tản - người đứng đầu trong Tứ Bất Tử và các vị thần Ai Lý, Ai Lo – những người đã có công đào mương Lò - con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn vùng. Lễ hội thể hiện ước mơ mùa màng bội thu, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi gắn kết tình làng nghĩa xóm và bày tỏ ước vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no.

Ẩm thực địa phương

Thịt trâu lá lồm

Đây là món ăn dân tộc phổ biến của người Mường Hoà Bình. Lá lồm là một loại lá cây rừng có vị chua thanh mát. Thịt trâu sau khi được thui lửa, đem đi cạo sạch rồi hầm trong nồi đất đến khi bung mềm. Nêm một ít tấm gạo, đợi tấm chín nở và hơi sánh thì thịt ngấm vị và có thể thưởng thức.

Lợn mán thui vàng

Lợn được nuôi thả tự nhiên nên thịt chắc và thơm ngon. Sau khi cắt tiết, lợn sẽ được đem thui vàng, cạo sạch lông, rửa sạch. Thịt lợn luộc vừa chín tới, thái mỏng, chấm cùng muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ.

Thịt lợn muối chua

Món ăn truyền thống không thể thiếu của người Mường vào dịp lễ tết. Thịt lợn thái miếng, ướp với các gia vị muối, giềng giã nhỏ, lá men rừng và rượu nếp cái. Thịt muối chua lên men tự nhiên, ăn kèm với lá húng, lá mít thơm phức, bùi ngọt và cay nồng.

Cơm lam ống nứa

Hòa Bình có loại gạo nương vô cùng nổi tiếng là nguyên liệu chính để tạo nên món cơm lam thơm ngon, dẻo ngọt. Gạo nương ngâm qua đêm, trộn cùng cùi dừa thái sợi và nén vào trong ống nứa, nướng trên bếp củi khoảng 2 tiếng là có thể thưởng thức cùng muối lạc.

Xôi ngũ sắc nếp thơm

Món xôi này có 5 màu cơ bản là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Gạo xôi phải là loại gạo nếp ngon nhất trong vùng, vừa có độ dẻo, thơm mà không được bết dính. Người ta tạo ra màu xôi từ các thứ cây thân cỏ, sau đó lần lượt cho gạo màu đỏ xuống trước, sau là màu xanh, vàng, tím, trắng cho lên trên cùng.

Cá nướng than hồng

Trước khi nướng, cá tươi được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào. Cá nướng trên than hồng được đem rắc muối, gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn.

Măng chua nấu thịt gà

Gà đồi nuôi thả nên thịt chắc và thơm, có trọng lượng khoảng trên 1 kg. Gà được làm sạch, bỏ riêng nội tạng. Sau đó, thịt gà chặt ra nhiều miếng nhỏ để ướp cùng măng chua, ủ trên bếp củi than khoảng 2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ, rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ và thưởng thức.
Rượu cần

Rượu cần ủ men

Rượu Cần được ủ men, không qua chưng cất, thường được uống vào những dịp lễ tết, hội làng hay chiêu đãi khách quý. Rượu có vị cay cay, ngòn ngọt và ấm nồng, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre, trúc, đục thông lỗ để hút rượu, thưởng thức cùng món ăn đặc sản của dân tộc.
prev
next

Hoạt động vui chơi tự do nổi bật tại vùng

Ngồi thuyền vãn cảnh Thung Nai

Đi thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Trải nghiệm cuộc sống bản làng dân tộc

Tắm suối nước nóng Kim Bôi

Tham gia lễ hội, các trò chơi dân gian

Trekking đường rừng, lội suối

Tham quan bảo tàng văn hóa Mường

Thưởng thức ẩm thực địa phương

Giao lưu với đồng bào dân tộc

Suối khoáng Kim Bôi

KHÍ HẬU CÁC MÙA

Yên Mông nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng nóng, ẩm, có mùa đông lạnh. Khí hậu trong năm chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa hè bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9, nhiệt độ trung bình trên 25°C. Mùa đông bắt đầu từ tháng 10 năm trước, kết thúc vào tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình trong khoảng 16°C – 20 độ C.

Yên Mông

Thứ tư 11/09/2024, 06:00 Nắng nhẹ

icon weather27°C
  • Lượng mưa 38.2mm
  • Gió 8km/h
Icon Weather 0

Th 5

29°C24°C

Icon Weather 1

Th 6

31°C26°C

Icon Weather 2

Th 7

33°C26°C

Icon Weather 3

Chủ nhật

32°C25°C

kết nối với nature key retreat

logo joy retreat

Hành trình lưu trú giữa thiên nhiên

Logo Text - Joy Camping

Hành trình cắm trại hòa hợp thiên nhiên

Logo Text - Joy Rooftop Glamping

Trải nghiệm cắm trại giữa lòng thành phố

Logo Text - Joy Summer Camp

Trại hè xanh khám phá thiên nhiên

Joy Healthy

Hành trình chăm sóc sức khoẻ

Logo Text - Joy Event

Nhà tổ chức sự kiện giữa thiên nhiên

Logo Text - Nature Food

Thực phẩm sạch từ trang trại

Logo Text - Nature Gourmet

Chuỗi ẩm thực giao thoa văn hoá